Những người này có thể là người khuyết tật, người nghèo, người không có khả năng tự chăm sóc, tự vệ, những người mắc bệnh nan y, hoặc những nạn nhân của các biến cố chính trị, xã hội hoặc thiên tai ... Hoạt động công tác xã hội vì vậy hiện diện khắp nơi, ở bất kỳ đâu có những người cần giúp đỡ, ở đó có mặt của các tổ chức công tác xã hội. |
Trên thế giới, công tác xã hội có quá trình phát triển hơn 100 năm và đạt được hiệu quả tốt. Tuy nhiên, khi áp dụng công tác xã hội vào Việt Nam, cụ thể là ngành Y tế thì hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi. Bởi lẽ, trong quá trình chữa bệnh, người bệnh chịu ảnh hưởng từ các vấn đề xã hội đến tâm lý. Nhiều nghiên cứu chỉ ra trạng thái tâm lý như căng thẳng, lo âu có mối liên hệ chặt chẽ với quá trình lành bệnh của người bệnh khi điều trị. Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 -2020. Như vậy, công tác xã hội chính thức được công nhận là một nghề và có cơ sở pháp lý để phát triển tại Việt Nam. Ngày 15/7/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 2514/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh đó, Bộ Y tế có Thông tư số 43/2015/TT-BYT ngày 26/11/2015 quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện. Kể từ đó, một số bệnh viện đã thành lập các đơn vị chuyên trách về công tác xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và giảm áp lực cho nhân viên y tế, từ đó nâng cao chất lượng điều trị. Mục tiêu của Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2020 là đến hết năm 2020 sẽ có 60% các bệnh viện tuyến tỉnh, 30% các bệnh viện tuyến huyện và 40% số xã/phường/thị trấn triển khai hoạt động công tác xã hội. Tổ Công tác xã hội (Bộ phận Chăm sóc khách hàng) tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện triển khai tốt công tác xã hội như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy,... Tại Kon Tum, hiện nay trong 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 8 trung tâm y tế huyện có hệ bệnh viện thì chưa có đơn vị nào thành lập phòng mà chỉ dừng lại ở tổ công tác xã hội và hoạt động cũng chưa thường xuyên, hiệu quả thấp. Trong 7 nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BYT, hoạt động công tác xã hội mới chỉ thực hiện ở bước đón tiếp, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh khi đến khám chữa bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh bắt đầu quan tâm hơn đến hoạt động truyền thông, tư vấn, còn những nhiệm vụ khác như hỗ trợ tâm lý cho người bệnh và nhân viên y tế, vận động tiếp nhận tài trợ để hỗ trợ người bệnh gặp hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các sự kiện hướng đến chăm sóc tinh thần cho người bệnh, hay đào tạo, tập huấn cho nhân viên bệnh viện về công tác xã hội gần như chưa triển khai thực hiện được. Ở các đơn vị khác, vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn hơn. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện còn hạn chế. Đó là: 1) Chưa bố trí được vị trí chính thức: Lý do để một người làm việc hết năng suất, một là vì đam mê, hai là vì thứ mà họ nhận lại được. Thứ mà họ nhận lại được là lợi ích chính cho bản thân, là tiền công, là chế độ đãi ngộ tốt. Người làm công tác xã hội trong bệnh viện không có biên chế, không có chế độ, đa số họ phải làm việc kiêm nhiệm nên hiệu quả công việc không cao. Trừ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi và Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng có nhân viên công tác xã hội chuyên trách, các đơn vị còn lại là hoạt động kiêm nhiệm. Với một môi trường đầy áp lực như bệnh viện thì việc phải thực hiện tốt vai trò chuyên môn của bản thân đã khó thì việc phải kiêm nhiệm thêm một việc nữa sẽ không chỉ khiến cho công việc chính không ổn mà việc kiêm nhiệm cũng không xong. 2) Không đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn: Hầu hết người làm công tác xã hội ở các bệnh viện đều là người không được đào tạo chuyên về công tác xã hội, đa số là nhân viên y tế, trong đó chỉ có một số ít được tham gia khóa tập huấn ngắn hạn nên vẫn còn tồn tại vấn đề chưa hiểu hết nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng đã hợp đồng lao động với người tốt nghiệp chuyên ngành công tác xã hội nhưng người này lại chưa quen với những hoạt động cung cấp dịch vụ y tế trong bệnh viện. Do đó rất khó khăn khi triển khai thực hiện tốt hoạt động công tác xã hội. 3) Chưa thực sự quan tâm đến công tác xã hội trong bệnh viện: Công tác xã hội không phải chỉ là hoạt động từ thiện. Nhiều người vẫn chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác xã hội trong bệnh viện, trong đó có không ít viên chức lãnh đạo, quản lý đơn vị. Trong khi có rất nhiều nội dung cần quan tâm, ưu tiên để xử lý thì công tác xã hội chỉ được coi như hoạt động bắt buộc thực hiện theo yêu cầu của Thông tư số 43/2015/TT-BYT. Nhân viên công tác xã hội hỗ trợ bệnh nhân đo huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi Hướng dẫn bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng Thực tế cho thấy, công tác xã hội của bệnh viện nếu được thực hiện tốt góp phần cải thiện tinh thần người bệnh, làm cho họ tin tưởng hơn, gắn bó hơn với bệnh viện, những rào cản giữa người bệnh và nhân viên y tế được tháo gỡ, người bệnh thấy thoải mái, hài lòng hơn và qua đó giúp cho quá trình điều trị bệnh cũng rút ngắn bớt so với bình thường. Tuy nhiên để triển khai được công tác xã hội cần phải có chuyên trách, được đào tạo, hướng dẫn, được tạo điều kiện từ phía lãnh đạo đơn vị để thực hiện các hoạt động. Thiết nghĩ, công tác xã hội trong bệnh viện cần nhiều hơn sự quan tâm không chỉ ở nhân viên y tế mà của toàn xã hội, qua đó giúp ích cho quá trình điều trị triệt để bệnh tật đối với người bệnh, trả lại sức khỏe theo đúng nghĩa cả về không có bệnh tật, sự khỏe mạnh về thể chất và tâm thần./. |
Nguyễn Thị Thảo Nguyên - Văn phòng Sở Y tế |
Nguồn tin: syt.kontum.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn